Danh Mục Sản Phẩm
100% Chính Hãng
Miễn Phí Vận Chuyển
Bảo Hành Tận Nơi
Hướng Dẫn Trả Góp

Cẩm nang build PC: Game thủ nên chọn có dây hay không dây, và tại sao?

Khi lựa chọn bộ ba “chiến hữu” chuột, phím, tai nghe, chúng ta thường có xu hướng tìm đến với các sản phẩm có dây hơn là không dây, dù loại không dây rất tiện lợi, giải phóng không gian mặt bàn và dễ dàng di chuyển. Đó là bởi những quan niệm truyền thống về độ trễ cũng như chất lượng của các thiết bị có dây. Đến năm 2023 này, những quan niệm đó có còn đúng hay không, và nên chọn loại nào khi cần các chiến hữu mới?

Quan niệm quen thuộc về có dây, không dây

Các thiết bị ngoại vi không dây (chuột, bàn phím, tai nghe) thường bị chê bai bởi một lẽ đơn giản: chúng thua kém quá nhiều về độ trễ (latency) so với các sản phẩm có dây, đặc biệt là khi bạn sử dụng để chơi game mang đậm tính đối kháng. Ngoài ra, chúng còn có vấn đề về pin, điều sẽ khiến đại đa số người dùng “shock” khi lần đầu tiên nhận ra các thiết bị của mình cần được sạc hoặc đổi pin mới.

Tuy nhiên đó là chuyện quá khứ. Vấn về pin đã được cải thiện, các thiết bị không dây nay có thể hoạt động cả tháng hoặc vài tháng trước khi cần đổi pin (nhưng vẫn là một chướng ngại nho nhỏ). Độ trễ cũng đã giảm đi rất nhiều, và không chỉ chuột, phím mà giờ đến tai nghe cũng đã có các giải pháp không dây với latency thấp, phù hợp cho game thủ thích di chuyển.

Đối với người dùng quan tâm đến hiệu năng tối đa và muốn đảm bảo 100% không có hiện tượng mất tín hiệu hay nhiễu xảy ra trong quá trình sử dụng (ví dụ game thủ chuyên nghiệp), thiết bị có dây vẫn là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên các thiết bị không dây cũng đang bắt kịp về độ ổn định, và có thêm ưu điểm về sự gọn gàng, không vướng víu. Sau đây, mời bạn cùng Sforum khám phá ưu và nhược điểm của từng loại thiết bị ngoại vi trên PC.

Bàn phím

Bàn phím là một trong các thành phần quan trọng nhất của  game thủ. Một bàn phím tốt với thời gian phản hồi thấp là vũ khí tối thượng trong những tựa game đòi hỏi khả năng phản xạ nhanh nhạy, từ MOBA đến Battle Royale. Khi mua bàn phím, việc lựa chọn “membrane hay cơ” thường lấn át hẳn “có dây hay không dây”, và đây là điều dễ hiểu bởi cảm giác nhấn là một phần cực kỳ quan trọng trong việc sử dụng bàn phím.

Vào thời điểm hiện tại, đại đa số bàn phím gaming trên thị trường đều là cơ (hoặc ít nhất là giả cơ) bởi những ưu điểm vượt trội. Chúng cũng chủ yếu là loại có dây bởi hai ưu điểm là input lag thấp hơn, và polling rate cao hơn, giúp thao tác của người chơi được ghi nhận sớm hơn. Các bàn phím không dây thua kém không quá xa về hai chỉ số này (nhưng vẫn là thua kém) và có thể là lựa chọn tốt nếu bạn cần giảm độ hỗn loạn của mặt bàn và không quan tâm nhiều đến thành tích, hay chơi game không đối kháng.

Kết quả thử nghiệm độ trễ của một vài bàn phím gaming phổ biến hiện tại.

Về độ trễ, các bàn phím gaming có dây ngày nay có thể thấp đến mức khoảng 0.1ms, trong khi các bàn phím kết nối không dây qua receiver 2.4GHz tốt nhất thường có latency vào khoảng 0.7ms. Riêng với bàn phím không dây qua Bluetooth, bạn không nên sử dụng để chơi game trừ khi bất khả kháng – ngay cả loại tốt nhất hiện tại vẫn có độ trễ đến 7ms, cao hơn rất nhiều so với các bàn phím không dây truyền thống.

Chuột

Công nghệ không dây đã có được bước tiến dài nhất trên món thiết bị ngoại vi này. Những chú chuột không dây ngày nay được trang bị cùng loại cảm biến với chuột có dây, và đôi khi còn nhẹ hơn dù phải “gánh” thêm trọng lượng của viên pin bên trong. Chưa hết, một số hãng sản xuất gaming gear còn đang tạo ra combo pad sạc + chuột không dây giúp chú chuột của bạn không bao giờ hết pin dù có dùng bao lâu đi nữa. Việc thoát khỏi sợi dây chuột cũng sẽ giúp người dùng giảm bớt sự khó chịu mỗi khi phải nhấc chuột lên để đưa về vị trí cũ.

Với game thủ chơi ở trình độ đỉnh cao, trong các giải đấu chuyên nghiệp, chuột có dây vẫn là lựa chọn “number one”. Nhưng các streamer nổi tiếng đang chinh phục những trận chiến xếp hạng trong Overwatch 2, PUBG, Call of Duty, Battlefield hay Halo bằng các chú chuột không dây của mình. Bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng chuột không dây không còn thua kém chuột có dây quá xa về độ trễ qua bảng kết quả thử nghiệm dưới đây:

Kết quả thử nghiệm độ trễ của một vài chú chuột gaming phổ biến hiện tại.
 
 

Headset

Với game thủ thì trọn bộ headset (tai nghe + mic) là lựa chọn vừa tiện lợi vừa kinh tế, khi không cần phải mua thêm micro gắn ngoài. Tuy nhiên đây hiện đang là “mặt trận” mà kết nối không dây bị nghi ngờ nhiều nhất, thua kém xa nhất so với loại có dây, dù bạn là người nghe bình thường hay game thủ chuyên nghiệp. Những người dùng ghiền âm nhạc (audiophile) lo ngại về chất lượng âm thanh, trong khi game thủ không yên tâm với thời gian phản ứng của chúng.

Và quả thật đây là một mối lo ngại hoàn toàn có cơ sở. Nói chung, ngoài ưu điểm về giá thì chất lượng âm thanh của tai nghe có dây thường cao hơn bởi một lẽ đơn giản là tín hiệu âm thanh được truyền qua dây dẫn là tín hiệu analog không bị nén như khi được truyền không dây. Khi dùng các tai nghe không dây, bạn cũng phải mất thêm thời gian chờ âm thanh được mã hóa ở máy tính, sau đó được giải mã trong tai nghe. Điều này kéo dài độ trễ và dù không đáng kể, nó là cực kỳ quan trọng với game thủ cần thành tích cao.

Ngày nay, một số nhà sản xuất gaming gear đã cố gắng thu hẹp khoảng cách về độ trễ giữa headset có dây và không dây bằng những công nghệ mới. Tuy nhiên nhược điểm về giá, độ trễ và nhiễu vẫn là chưa thể vượt qua. Nếu bạn chỉ chơi game để giải trí và không quá quan trọng chất âm nhưng lại muốn có được sự tiện lợi, tai nghe không dây là rất phù hợp; nhưng khi cần âm thanh chuẩn chất lượng cao, độ trễ thấp và sẵn sàng hi sinh một chút khả năng di chuyển, tai nghe có dây vẫn là lựa chọn hàng đầu.

 
 

Lời kết

Qua những thông tin mà mình đã chia sẻ trong bài viết này, hi vọng rằng bạn đã tìm ra được loại sản phẩm phù hợp với mình. Nếu cần thêm thông tin hay “tăm tia” bất kỳ sản phẩm nào của QA Gaming, đừng ngại ngần gì mà không để lại bình luận ở cuối bài hoặc ngay trong trang sản phẩm để nhận được sự trợ giúp nhé!

Lượt Xem: 217

Gửi Bình Luận

0292 2222 039